Thứ ba, 16/04/2024
(Thứ tư, 27/10/2021, 03:57 pm GMT+7)

     Qua 4 đợt chống dịch COVID-19, Bộ Công an đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt, quan trọng trên tuyến đầu phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh; kịp thời thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; đồng thời, thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT và an toàn xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

     Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã tác động trực tiếp, không nhỏ đến đời sống xã hội, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm ANTT. Từ khi có dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam đến nay, lực lượng CAND đã huy động, tăng cường quân số, trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, đảm bảo ANTT tại các chốt kiểm soát… CBCS Công an cũng rất tích cực tham gia vận hành các bệnh viện dã chiến điều trị cho người dân, CBCS nhiễm bệnh, góp phần cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm ANTT, an sinh xã hội.

     Chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành

     Khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Công an đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cấp đánh giá cao.

Lực lượng CAND trên tuyến đầu chống dịch -0

     Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Công an kiểm tra Khu cách ly tập trung của Bộ Công an phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ 1, thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Hà Nội, ngày 10/6/2021)

     Bên cạnh đó, Bộ Công an đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo phòng, chống dịch của của Thường trực Ban Bí thư, Nghị quyết, Công điện, Kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia và quán triệt Công an đơn vị, địa phương không chủ quan lơ là, luôn đề cao cảnh giác, giữ vững tinh thần “chống dịch như chống giặc”; “Mỗi CBCS Công an là một chiến sĩ tiên phong tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; mỗi đơn vị, tổ chức trong Công an là pháo đài vững chắc, không bị lây nhiễm dịch COVID-19”.

Lực lượng CAND trên tuyến đầu chống dịch -0
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an thăm hỏi, động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương (ngày 16/7/2021, ảnh CTV)

     Bộ Công an đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh do một đồng chí Thứ trưởng làm Trưởng Ban. Bộ Công an, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Bộ đã chủ động cập nhật tình hình, ban hành nhiều điện, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống 4 đợt dịch. Gần đây nhất là, đảm bảo phòng, chống dịch trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2022. Ban hành các Phương án 03 ngày 16/8/2021, Phương án số 04 ngày 22/8/2021, Kế hoạch 350/KH-BCA ngày 24/8/2021 về đảm bảo ANTT, phòng, chống tội phạm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Phát động phong trào thi đua đặc biệt của Bộ Công an về phòng, chống dịch COVID-19.

    Bộ Công an cũng là cơ quan đầu tiên thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương do một đồng chí Thứ trưởng làm Chỉ huy trưởng chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại phía Nam; đồng thời, tham gia là thành viên Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tại phía Nam. Thành lập Tiểu ban ANTT thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an là Trưởng Tiểu ban, ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các thành viên Tiểu ban và kế hoạch hoạt động của Tiểu ban. Trong các Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ Trung ương đến địa phương luôn có đại diện lãnh đạo của lực lượng Công an.

     Bộ đã hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tăng cường phòng, chống dịch trong cơ sở khám chữa bệnh CAND; các bệnh viện hạng I, bệnh viện Công an tỉnh, thành phố nâng cao năng lực xét nghiệm; tăng cường phòng, chống dịch trong các Học viện, trường CAND, trong các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, triển khai phương án thành lập các khu cách ly, khu điều trị bệnh nhân COVID-19 trong các cơ sở giam giữ; triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong lực lượng CAND đảm bảo đúng quy định, an toàn.

Lực lượng CAND trên tuyến đầu chống dịch -0
Cán bộ CSGT Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra giấy xét nghiệm tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 (ảnh CTV)

     Lãnh đạo Bộ đã thành lập nhiều đoàn công tác và trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương khu vực phía Nam, Tây Nguyên để chỉ đạo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kịp thời trực tiếp đến động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch…

     Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã thống nhất triển khai Bệnh viện dã chiến tại TP Hồ Chí Minh với công suất 300 giường. Bước đầu,  đảm bảo có 100 giường để phục vụ hồi sức cấp cứu đối với bệnh nhân nặng.

     Ngày 30/8/2021, Bộ Công an tổ chức Lễ khánh thành, đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến Phước Lộc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại số 17, đường Phạm Hùng, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh...

Trong quá trình triển khai, Bộ Công an đã được Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, các lực lượng liên quan và các nhà tài trợ quan tâm, hỗ trợ để đảm bảo cho Bệnh viện đi vào hoạt động một cách nhanh nhất.. Các chuyên gia của Bệnh viện Nhiệt Đới, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt - Đức cũng đã đến hỗ trợ, góp ý vào quá trình hoàn thiện và bổ sung những hạng mục cần thiết để Bệnh viện cấp tốc được hoàn thành chỉ sau 1 tuần tổ chức thi công.

     Từ kết quả các mặt công tác trên cho thấy, Bộ Công an đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt, quan trọng trên tuyến đầu phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh; kịp thời thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; đồng thời, thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT và an toàn xã hội.

     Bảo đảm ANTT, an dân, an sinh

     Dưới sự chỉ đạo đúng đắn, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, tại cơ sở, Công an các đơn vị, địa phương đã tham mưu hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nhiều chính sách về chống dịch, bảo đảm ANTT, an dân, an sinh; đặc biệt tại các tỉnh có dịch diễn biến phức tạp. Trong đó, nhiều đề xuất về chính sách của Công an các đơn vị, địa phương đã phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống.

     Lực lượng Công an đã chủ động nắm tình hình, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động; đặc biệt là đấu tranh chống tin giả, đã xử phạt hành chính hơn 150 đối tượng đăng tin giả, tin sai sự thật; ngăn chặn, yêu cầu gỡ bỏ gần 11.000 tin, bài viết chứa thông tin xấu độc; phòng ngừa, đấu tranh mạnh với các hoạt động sản xuất, buôn bán các loại thuốc, vật tư y tế giả và các hành vi làm lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, lực lượng CAND đã hiệp đồng tác chiến, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Quân đội, Y tế, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát quản lý xuất, nhập cảnh, phòng, chống nhập cảnh trái phép, nhập cảnh không đúng đối tượng.

Lực lượng CAND trên tuyến đầu chống dịch -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hà Nội kiểm tra, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 (ảnh CTV)

     Trong phòng, chống dịch COVID-19, Cục Y tế Bộ Công an,  các đơn vị trực thuộc Bộ, các bệnh viện trong CAND cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống, đẩy lùi dịch COVID-19.

     Lực lượng Công an cơ sở đã chủ động, trách nhiệm tham gia cùng lực lượng chức năng, Nhân dân địa phương tổ chức các Tổ COVID-19 cộng đồng, với vai trò tổ trưởng, để thực hiện có hiệu quả phương châm “Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng người” truy vết người nhiễm, người tiếp xúc gần với người bị nhiễm COVID-19; tuyên truyền vận động người dân thực hiện các quy định về phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội.

     Thời gian cao điểm, tại tâm dịch, địa bàn có nguy cơ cao, CBCS Công an cơ sở đã phát tăng cường hàng chục nghìn loa cầm tay, loa lắp trên các phương tiện tuần tra để làm nhiệm vụ tuyên truyền trực tiếp, linh hoạt và phù hợp với thực tiễn, vận động người dân yên tâm, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch…

     Thời gian qua, lực lượng CAND đã hỗ trợ tích cực cho các địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Điển hình, tại Hải Dương, trong đợt dịch thứ ba, Bộ Công an đã tăng cường 600 CBCS trực tiếp làm nhiệm vụ chốt chặn, đảm bảo ANNTT tại cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; cấp vật tư, y tế, thuốc men…trị giá hơn 2 tỷ đồng. Đã hỗ trợ tăng cường dập dịch tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang hơn 900 CBCS; cử hơn 300 lượt cán  bộ y tế Công an vận hành Bệnh viện dã chiến số 2 tại Bắc Giang, phục vụ điều trị cho người dân bị nhiễm COVID-19. Ngoài ra, Bộ cũng hỗ trợ cho tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19...

     Trong đợt dịch thứ tư tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Công an các đơn vị, địa phương đã huy động hơn 100.000 lượt CBCS làm nhiệm vụ tại gần 15.000 tổ chốt và khu vực phong tỏa, cách ly tập trung; kiểm soát người, phương tiện đi lại giữa các vùng dịch, xử phạt vi phạm các quy định về phòng, chống dịch… Ngoài lực lượng tại chỗ, Bộ đã điều động hơn 10.000 CBCS các đơn vị trực thuộc Bộ, các học viện, trường CAND... tăng cường cho Công an các đơn vị, địa phương phía Nam.

     Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương cũng đã làm tốt công tác thiện nguyện, quyên góp, ủng hộ, góp phần cùng chính quyền địa phương đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, xuất hiện nhiều hình ảnh đẹp, nhiều gương sáng trong phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh.

     Theo đánh giá của Bộ Công an, những kết quả nêu trên cũng là thành công bước đầu trong triển khai chủ trương lớn của Bộ Công an đưa lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã; qua đó, hoàn thiện bộ máy Công an cơ sở sát dân, gần dân.
 

Theo Báo Công an nhân dân

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp