Thứ bảy, 20/04/2024
(Thứ sáu, 15/10/2021, 03:08 pm GMT+7)

     Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh Bắc Giang, trong năm 2020 lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã thực hiện 09 vụ cứu nạn, cứu hộ (CNCH) dưới nước, trong 10 tháng năm 2021 đã thực hiện 07 vụ CNCH dưới nước, tai nạn đuối nước đã làm 19 người chết, trong đó có 4 trẻ em. Có thể kể đến một số vụ tai nạn đuối nước thương tâm trong thời gian gần đây như: vụ đuối nước xảy ra ngày 24/8/2021 tại thôn Yên Ninh, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa làm một trẻ 13 tuổi thiệt mạng; vụ đuối nước xảy ra ngày 22/9/2021 tại bến Mỏi, thôn Trường Thịnh, xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang làm hai trẻ em trong cùng một gia đình thiệt mạng. Tính riêng trên địa bàn huyện Yên Dũng, tai nạn đuối nước 01 vụ xảy ra ngày 20/4/2020 tại Tổ dân phố 2, thị trấn Nham Biền làm 01 trẻ nhỏ 6 tuổi thiệt mạng.
      Nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn đuối nước ở trẻ em là xuất phát từ ý thức chủ quan, lơ là của một bộ phận người lớn (phụ huynh) trong việc phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em. Tình trạng các ao, hồ, hố sâu…nơi dễ bị trượt, ngã nguy hiểm không có rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm. Sự thiếu nhận biết, kỹ năng của chính bản thân trẻ em, học sinh.

(Ảnh minh hoạ)

     Để tăng cường hơn nữa công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do đuối nước gây ra cho trẻ em và học sinh, các cơ quan hữu trách, nhà trường và gia đình cần phải quan tâm thực hiện một số các biện pháp cụ thể như sau:
      Một là, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức về tai nạn thương tích, đuối nước, các kỹ thuật, kỹ năng đối phó với các tình huống đuối nước phù hợp với từng lứa tuổi. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, truyền thông để nâng cáo nhận thức cho học sinh và cha mẹ học sinh đối với công tác phòng chống đuối nước.
     Hai là, Cha mẹ (thầy, cô) phải có sự giám sát chặt chẽ với con em mình đồng thời dạy cho trẻ, học sinh biết được mối nguy hiểm của đuối nước, không cho trẻ và học sinh chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố; không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
     Ba là,phải có các biển cảnh báo, biển cấm và các giải pháp để đảm bảo an toàn như làm rào chắn, chặn lối vào các khu vực dễ xảy ra đuối nước như: ao, hồ, hố sâu, thác nước, nơi dễ bị trượt, ngã nguy hiểm… Nhà có trẻ nhỏ không nên để thùng, bể, lu nước… nếu bắt buộc phải có thì phải có nắp đậy để trẻ em không mở nắp được.
    Bốn là,tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ nhỏ và học sinh, trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết để tự cứu mình khi bị rơi xuống nước và lồng ghép nội dung bơi và kĩ năng tự cứu vào trong nhà trường từ cấp tiểu học.
     Năm là, phụ huynh (người lớn) phải trang bị cho mình về các kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu như: hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, lấy dị vật trong miệng, mũi nạn nhân… để sơ cứu người bị đuối nước.
     Sáu là, ngoài kỹ năng bơi, phụ huynh (người lớn) cũng cần trau dồi các kỹ năng cứu người bị đuối nước trong các tình huống người bị nạn còn tỉnh và bất tỉnh. Một số phương pháp cứu người bị đuối nước như: Bơi dìu người bị nạn, quăng phao, quăng dây,… hay các cách phá khóa khi người bị nạn ôm, kéo…

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp