Thứ sáu, 26/04/2024
(Thứ năm, 23/09/2021, 07:38 am GMT+7)

     Thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Yên Dũng đã xảy ra 6 vụ cháy rừng làm thiệt hại hơn 6 ha rừng. Điển hình những tháng gần đây, liên tiếp xảy ra một số vụ cháy rừng như: Vụ cháy ngày 10/5/2021 tại tổ dân phố Minh Phượng, thị trấn Nham Biền làm thiệt hại 2,4 ha rừng; vụ cháy ngày 1/6/2021 tại thôn Giá, xã Nội Hoàng làm thiệt hại 1,1 ha rừng và gần đây nhất vụ cháy ngày 23/8/2021 tại thôn Bình An, xã Tiền Phong làm thiệt hại 0,5 ha rừng.


(Vụ cháy rừng ngày 01/6 tại thôn Giá, xã Nội Hoàng)

     Các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý ba vụ việc, trong đó xử lý hình sự 01 vụ cháy rừng, khởi tố 01 bị can về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”; xử phạt hành chính hai vụ cháy rừng, phạt tiền đối với bốn đối tượng với tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách nhà nước là 120 triệu đồng.
     Theo điều tra của Công an huyện Yên Dũng, nguyên nhân của nhiều vụ cháy rừng là:
    + Một bộ phận người dân làm nương, rẫy, vườn bãi đã thu gom và đốt cỏ, cành cây khô, ràng ràng dẫn đến cháy lan vào rừng.
     + Một số cá nhân vào rừng sử dụng lửa đốt tổ ong lấy nhộng gây ra cháy rừng.
     + Người tảo mộ đốt hương, đốt vàng mã làm cháy rừng.


(Các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng)

      Để phòng ngừa, ngăn chặn cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra, đặc biệt là trong mùa hanh khô sắp tới, Công an huyện Yên Dũng đề nghị nhân dân trên địa bàn và khách thập phương thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng như sau:
    1. Khi làm nương, rẫy, vườn bãi cần sử dụng lửa thiêu hủy cỏ, cành cây khô, ràng ràng… người sử dụng lửa phải thông báo với trưởng thôn/tổ dân phố hoặc Chủ tịch UBND cấp xã để đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong khi đốt phải có người canh gác, có đủ phương tiện, dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa và bố trí người canh gác cháy lại tại hiện trường từ 1-2 giờ mới được ra về.
    2. Người đi tảo mộ phải thu dọn vật liệu dễ cháy xung quanh nơi đốt hương, vàng mã để chống cháy lan. Trong khi đốt phải có người canh gác và chuẩn bị dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng.
    3. Không được sử dụng lửa để đốt tổ ong, bắt động vật trong rừng. Báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Công an, Kiểm lâm nơi gần nhất khi phát hiện có người đốt lửa trong rừng.
    4. Nếu phát hiện cháy rừng phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh và chính quyền địa phương hoặc cơ quan Công an, Kiểm lâm nơi gần nhất; đồng thời phải tìm mọi biện pháp để ngăn chặn cháy lan và dập cháy.
    5. Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ và giữ nguyên hiện trường vụ cháy, không khai thác tận thu, vận chuyển lâm sản trên diện tích rừng sau cháy khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
     Toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng là góp phần bảo vệ bền vững tài nguyên rừng, cảnh quan môi trường sinh thái, nguồn nước và xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp