Thứ sáu, 29/03/2024
(Thứ ba, 10/11/2020, 07:56 am GMT+7)

         Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng mặc dù được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, số vụ, số người bị hại vẫn tăng cao, làm cho tình hình có diễn biến phức tạp và gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.
          Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Bắc Giang, từ ngày 15/12/2019 đến ngày 28/8/2020, lực lượng Công an tỉnh đã tiếp nhận, thụ lý, giải quyết 17 tin báo tố giác tội phạm về sử dụng công nghệ cao, mạng viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiệt hại bước đầu xác định gần 4 tỷ đồng. Thực trạng này khiến cho công tác tuyên truyền nâng cao ý thức ngừa phòng của mỗi người dân là cấp thiết hơn bao giờ hết.
          Câu chuyện của chị Bùi Thị M., trú tại huyện Việt Yên (Bắc Giang) bị các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội zalo và facebook gây thiệt hại 778 triệu đồng đã là bài học đắt giá không chỉ cho chị M. và cho những người phụ nữ nhẹ dạ, cả tin. Khoảng tháng 6/2020, qua mạng xã hội (zalo), chị M. có nhắn tin với nick “Jonhson Alex”. Đối tượng này đã tự giới thiệu là quân nhân nước Mỹ đang đóng quân tại Syria. Đầu tháng 7/2020, Jonhson Alex nói gửi cho chị M. một món quà. Ngày hôm sau, một người phụ nữ sử dụng thuê bao di động tự xưng là nhân viên giao hàng liên tục điện đến cho chị M. đề nghị nộp tiền  phí, tiền phạt, tiền bảo lãnh… Tin lời Jonhson Alex và người phụ nữ trên, từ ngày 10/7 đến 14/7, chị M. đã thực hiện 6 mã chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của các đối tượng với tổng số tiền là 778 triệu đồng.
         Với hình thức khác, ông Đỗ Văn N., ở huyện Yên Dũng tố giác đối với đối tượng Trần Minh, An Tuyết, Ngô Thị Huyền, Trần Thị Kiều Hoanh - là nhân viên của Công ty TNHH TMDV và truyền thông TVSHOP có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn thông báo cho ông N. trúng thưởng phần quà có giá trị gần 200 triệu đồng và yêu cầu ông N. chuyển tiền để tích điểm nhận thưởng. Trong thời gian từ ngày 9-4 đến 11-5, ông N. đã chuyển tiền vào tài khoản theo hướng dẫn tổng cộng 9 lần với tổng số 128 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, ông N. vẫn không nhận được tiền thưởng.
          Và hàng loạt các vụ án khác với những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người dân như: vụ ở thành phố Bắc Giang, đối tượng giả danh công an thông báo cho nạn nhân có số tiền liên quan đến vụ án ma túy, yêu cầu chuyển tiền và bị hại đã chuyển hơn 399 triệu đồng; vụ ở huyện Hiệp Hòa đối tượng giả danh công an thông báo nạn nhân có liên quan đến vụ án ma túy, yêu cầu và bị hại đã chuyển tiền là 679 triệu đồng; vụ ở huyện Lục Ngạn, bị hại mua bán khẩu trang rồi chuyển tiền qua Internetbanking 14 triệu đồng; sử dụng facebook của người thân nhờ chuyển 40 triệu đồng; vụ ở huyện Sơn Động, bị hại mua hàng qua facebook, đối tượng xin số tài khoản chuyển tiền sau đó ăn cắp thông tin khách hàng chiếm đoạt 99 triệu đồng; vụ ở huyện Yên Thế, bị hại kết bạn qua facebook cho vay 411 triệu đồng…
          Thông qua thực tế các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xảy ra, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau để tạo được niềm tin với với người bị hại để chuyển tiền. Đối tượng thường giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện cho bị hại nói rằng bị hại có khoản tiền liên quan tới các vụ án rửa tiền, chuyên án về ma túy, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản cho cơ quan công an để kiểm tra, xác minh, nếu không có liên quan thì sẽ được hoàn trả lại tiền. Khi bị hại chuyển tiền trong một khoảng thời gian rất ngắn thì đối tượng di chuyển số tiền đó đi các hệ thống tài khoản khác và chiếm đoạt  tiền.
          Bên cạnh đó, các đối tượng sử dụng hình thức kết bạn, nói là người nước ngoài, lính Mỹ chiến đấu ở chiến trường có khối lượng lớn tài sản là vàng, đô la Mỹ muốn làm quen, kết hôn; sau khi kết thúc chiến tranh trở về Việt Nam sẽ chung sống như vợ chồng. Đối tượng có hứa hẹn chuyển số lượng tiền, vàng đến sân bay và yêu cầu nộp phí nên bị hại nộp phí thành nhiều lần. Do nhiều đối tượng thực hiện câu nhử để cho bị hại chuyển tiền, nhiều người chuyển hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
      Thủ đoạn “hack” facebook, zalo; sử dụng facebook, zalo “hack” được rồi bàn giao cho các đối tượng khác sử dụng làm phương thức để lừa đảo những người trong mối quan hệ facebook đó để chuyển tiền.
Đối tượng đưa lên đường link trên không gian mạng. Những người nào vào đường link đó sẽ bị kiểm soát số điện thoại, tiếp tục “câu nhử” tiếp để chuyển mã OTP liên quan đến tài khoản. Khi đó, đối tượng sẽ chiếm đoạt tài khoản đó của bị hại.
           Thượng tá Trịnh Nguyên Lượng – Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: Công tác đấu tranh với loại tội phạm này hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để chủ động phòng tránh những vụ án tương tự xảy ra, người dân khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua tài khoản phải xác định địa chỉ, con người, mối quan hệ của người đó, nếu phát hiện nghi ngờ phải gọi điện thoại thì mới thực hiện giao dịch. Người sử dụng zalo, facebook… phải nghiên cứu, kiểm tra, chắt lọc thông tin vì hiện nay có nhiều trang mạng facebook ảo…
         Công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng để đạt hiệu quả cao, ngoài sự vào cuộc tích cực của lực lượng công an thì rất cần nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm của mỗi người dân.
                                                                                                                                                                            Minh Thúy
 

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp