Thứ ba, 23/04/2024
(Thứ năm, 06/08/2020, 02:51 pm GMT+7)

       Hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay diễn biến phức tạp, nhất là lừa đảo qua mạng Internet, mạng viễn thông; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượngngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây thiệt hại lớn về tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội và tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

       Theo thống kê của Bộ Công an, 06 tháng đầu năm 2020, toàn quốc xảy ra 998 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến 1.036 đối tượng, chiếm đoạt số tiền hàng nghìn tỉ đồng;trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xảy ra 13 vụ, gây thiệt hại khoảng 433,2 triệu đồng. Để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân nắm rõ hơn về phương thức, thủđoạn hoạt động của các đối tượng, qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và tích cực tố giác tội phạm, Công an tỉnh Bắc Giang cảnh báo một số thủ đoạt lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng nổi lên hiện nay như sau:

      1.Các đối tượng người nước ngoài kết bạn với bị hại (bị hại chủ yếu là nữ) qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...) nhắn tin tâm sự, tán tỉnh, vờ yêu đương. Khi bị hại tin tưởng, đối tượng thông báo muốn gửi tiền, quà cho bị hại. Sau đó, đối tượng người nước ngoài câu kết với đối tượng người Việt Nam liên lạc với bị hại giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu bị hại phải nộp tiền để nhận quà với các lý do khác nhau (như cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt...) vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt.

       2. Các đối tượng sử dụng các ứng dụng trên mạng Internet, mạng viễn thông, sử dụng các sim số điện thoại khuyến mại, không đăng ký chính chủ do nhà mạng quản lý, gọi điện giả danh là nhân viên bưu điện, ngân hàng thông báo chủ thuê bao nợ cước viễn thông, nợ ngân hàng quá hạn; giả danh Cán bộ công an, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc giả mạo cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Công an TP Hà Nội...thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra, đe dọa nhằm khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, sau đó yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để chiếm đoạt.

      3. Các đối tượng lập tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber...) hoặc chiếm quyền quản trị (hack) tài khoản của bị hại rồi nhắn tin, lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền cho đối tượng sau đó chiếm đoạt; sử dụng các trang mạng xã hội đăng tải các video có nội dung dự đoán, “soi cầu” số lô, đề, đăng số điện thoại để bị hại tin tưởng liên hệ, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng sau đó đối tượng chiến đoạt số tiền đó; gửi tin nhắn báo tin trúng thưởng lớn cho bị hại rồi đề nghị nộp tiền lệ phí nhận thưởng sau đó chiếm đoạt; lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến, trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các đối tác mua, bán hàng.

       4. Các đối tượng lừa “xin việc làm”, “chạy án”, xin dự án, lừa làm các thủ tục đưa người đi du lịch, du học hoặc đi làm việc ở nước ngoài; lừa đảo giới thiệu, mời chào, lôi kéo người dân tham gia đầu tư, kinh doanh các loại tiền ảo, tiền điện tử... với những hứa hẹn về lợi nhuận, mức hoa hồng hấp dẫn, lợi nhuận cao để chiếm đoạt tài sản.


     Trên đây là một số thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản;Công an tỉnh Bắc Giang thông báo để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân biết, cảnh giác, kịp thời thông tin đến Công an các huyện, thành phố hoặc trực ban Công an tỉnh qua số điện thoại: 069.2586.112, 0204.3854.328, thư điện tử: Congantinh@bacgiang.gov.vn để được hướng dẫn, giải quyết./.

Ban biên tập.
 

Ý kiến
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp